Cần biện pháp hữu hiệu bảo đảm an toàn lao động
Vào khoảng 0 giờ 20 phút, ngày 3/4/2024, tại gương lò XV5-140 số 2, phân xưởng đào lò 2 Công ty Than Thống Nhất, thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra một vụ nổ khí metan nghiêm trọng. Vụ nổ khiến 4 công nhân tử vong và 7 công nhân khác bị thương. Nguyên nhân của vụ tai nạn bước đầu được xác định là do sự cố cháy khí metan.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi lãnh đạo Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan, trong đó yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Tuy nhiên, ngày 13/5/2024, lại tiếp tục xảy ra sự cố nghiêm trọng tại lò Chợ, Công ty Than Quang Hanh, thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh làm chết 3 công nhân và bị thương 1 công nhân. Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định do trong quá trình công nhân làm việc, lò bị sạt lở, vùi lấp gây tai nạn.
Mặc dù đã có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động tuy nhiên thời gian qua, nhiều đơn vị không tuân thủ hoặc tuân thủ không nghiêm dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng. Ngày 9/5/2024, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam Giám đốc Công ty TNHH SX&TM gỗ Bình Minh (Công ty gỗ Bình Minh) tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.
Theo tài liệu điều tra, vào ngày 1/5/2024, tại Công ty gỗ Bình Minh đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người tử vong, 5 người bị thương. Kết quả điều tra ban đầu xác định, để phục vụ sản xuất, Công ty gỗ Bình Minh có lắp đặt ở bên ngoài 1 nồi hơi dạng ống nước có công suất sinh hơi 1.000 kg/giờ.
Tuy nhiên, nồi hơi của công ty đã hết hạn kiểm định an toàn từ ngày 26/11/2022, và bình nén khí đã hết thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn từ ngày 5/1/2024. Nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do nồi hơi và bình nén khí đã hết thời hạn kiểm định an toàn nhưng công ty không kiểm định lại theo đúng quy định mà vẫn đưa vào hoạt động.
Với vai trò của mình, Giám đốc công ty đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, quản lý bình hơi, không thực hiện việc kiểm định chất lượng dẫn đến sự cố nổ lò hơi làm nhiều người chết.
Trước đó, vào ngày 23/4/2024 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1980), nhân viên cân băng liệu của Nhà máy Xi-măng Yên Bái để điều tra về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” khiến 7 công nhân bị chết,
3 công nhân bị thương trong vụ tai nạn xảy ra ngày 22/4/2024 tại Công ty cổ phần Xi-măng và Khoáng sản Yên Bái. Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do nhân viên bất cẩn trong quá trình ngắt, mở điện khiến động cơ chính của máy nghiền số 3 hoạt động, gây tai nạn cho các công nhân đang tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa máy.
Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2023 có hơn 7.500 người bị tai nạn lao động, thiệt hại về vật chất và tài sản do tai nạn lao động lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2022. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.
Riêng tại tỉnh Đồng Nai, trong năm 2023, xảy ra khoảng 910 vụ tai nạn lao động, khiến 28 người chết, 211 người bị thương nặng. Chỉ tính riêng năm tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 12 người chết do tai nạn lao động. Kết quả điều tra cho thấy, những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là: Xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 16,14% tổng số vụ; cơ khí, luyện kim chiếm 11,78% tổng số vụ; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,56% tổng số vụ.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động thời gian qua chủ yếu do lỗi chủ quan, chiếm tới 73%. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, không tuân thủ quy trình, quy định, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong quá trình công tác. Đáng chú ý là tai nạn lao động chủ yếu xảy ra tại các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần chiếm tới gần 70%.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại.
Các cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng.
Theo các chuyên gia pháp luật, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tăng cường các chế tài để xử lý đối với vi phạm dẫn đến tai nạn lao động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp. Theo thống kê của các ngành chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua có tới 46% là do lỗi của người sử dụng lao động.